top of page

CEO Tomato Childrens Home Nguyễn Thúy Uyên Phương: Kiên định với con đường mình tin là đúng

THANH NHÃ

Thứ năm, 16/8/2018 | 09:00 GMT+7


Có thể, với nhiều người, việc rời bỏ vị trí lãnh đạo ở một công ty đa quốc gia có mức lương cao để khởi nghiệp cùng mô hình giáo dục tuổi đầu đời là một sự đánh đổi. Song với Nguyễn Thúy Uyên Phương, đó là một lựa chọn hoàn toàn tự nguyện.


CEO Tomato Childrens Home Nguyễn Thúy Uyên Phương. Ảnh: Hoàng Dũng


"Tôi không phải là một phụ nữ trong góc bếp, cũng không phải là người sẵn sàng hy sinh gia đình để theo đuổi sự nghiệp. Bắt đầu với Tomato Childrens Home vừa là sự đam mê vừa là để đảm bảo hạnh phúc gia đình" - Nguyễn Thúy Uyên Phương - nhà sáng lập kiêm CEO chuỗi trường ngoại khóa Tomato Childrens Home chia sẻ.

Uyên Phương tâm sự, bà ấn tượng với tấm ảnh cựu Tổng thống John F. Kenedy làm việc trong Nhà Trắng và con ông đang chơi dưới gầm bàn. Còn gì tuyệt vời hơn là con luôn quanh quẩn bên mình dù mình làm bất cứ việc gì. Giữa việc nuôi dạy con và phát triển sự nghiệp, với Uyên Phương hầu như không còn khoảng cách.

* Nhưng giáo dục là một ngành không dễ dàng, nhất là khi bà chọn mô hình ngoại khóa chuyên sâu hoàn toàn mới tại Việt Nam?

- Giáo dục ngoại khóa nói riêng và giáo dục tuổi đầu đời (0 - 6 tuổi) nói chung là một ngành rất khó. Khi tôi chuẩn bị mở Tomato Childrens Home, một cô hiệu trưởng trường mầm non về hưu đã lặng im nhìn tôi một lúc và hỏi: "Tại sao người còn trẻ như con mà lại bước chân vào cái nghiệp vất vả này?". Thời điểm đó, tôi chưa thể hiểu hết lời cô ấy nói và cũng không quá để tâm vì đang rất háo hức với việc mình lựa chọn.

Tôi bắt đầu với Tomato Childrens Home bằng một niềm tin vô cùng hồn nhiên. Người ta thường khởi nghiệp với niềm tin chiến thắng, còn tôi thì không chắc chắn lắm với quyết định lúc đó. Tôi nghĩ đơn giản là thất bại cũng không sao, còn hơn là mình không bao giờ dám thử. Còn nhớ, bài phỏng vấn đầu tiên của tôi trên một báo có tựa đề: "Nếu thất bại tôi sẽ làm lại từ đầu".

* Khó khăn lớn nhất có phải vì bà tiên phong giảng dạy nhiều chương trình giáo dục mới, chẳng hạn như giáo dục cảm xúc hay giáo dục đa trí thông minh?

- Giáo dục cảm xúc chỉ mới phổ biến vài năm gần đây, chứ giai đoạn tôi mới mở ra chương trình này, hầu hết phụ huynh đều không quan tâm. Hay như chương trình Chuẩn bị cho bé vào lớp 1 tại trường tôi không dạy chữ và dạy số, nên khó thuyết phục được phụ huynh ở thời điểm đó.

* Vậy bằng cách nào bà thuyết phục được phụ huynh?

- Ban đầu, những lớp học của Tomato hoàn toàn miễn phí và học sinh chủ yếu là con của bạn bè, người quen. Thật may, cả phụ huynh và học sinh đều ưa thích chương trình học "không giống ai" và tiếng lành ngày càng đi xa. Đa số những đứa trẻ đầu tiên tìm đến trường là những "ca khó”, như bé bị tăng động giảm chú ý, rối loạn cảm xúc, tự kỷ dạng nhẹ... Có vẻ như phụ huynh đã đưa con đi nhiều nơi mà không hiệu quả. Họ khát khao có một môi trường để con hòa nhập nên tìm đến Tomato. Tôi không từ chối những "ca khó” này một phần vì lương tâm, một phần vì muốn thử nghiệm các phương pháp giáo dục mới.

Thật may, sau một thời gian theo học, các bé đều thay đổi theo hướng tích cực. Từ đó, ngôi trường nhỏ của tôi được biết đến nhiều hơn. Ra đời năm 2013, đến nay Tomato Childrens Home đã có ba cơ sở tại TP.HCM và sắp mở tại Hà Nội. Trường triển khai các khóa học như Bé thông minh cảm xúc, tự tin làm chủ cuộc đời, tiếng Anh mầm non, hàn gắn yêu thương (dành cho trẻ em có gia đình không trọn vẹn).

Tôi nghĩ, cứ kiên định với con đường mình tin là đúng thì thành công sẽ đến. Các chương trình Trí thông minh cảm xúc, Trí thông minh xã hội, Bản đồ tư duy... đến nay đã được sự quan tâm của nhiều phụ huynh. Chương trình Mindfulness (sự tỉnh thức) ngày càng cần thiết cho một "thế hệ Disney" - những đứa trẻ như ở thế giới khác, chỉ chờ mọi thứ giải trí tự thay đổi trước mắt chứ không quan tâm sâu sắc đến những gì diễn ra quanh mình.

Hoặc như chương trình không dạy chữ, không dạy số trước khi vào lớp 1, về sau phù hợp với chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhận thức của phụ huynh. Tôi cảm thấy may mắn khi xu hướng vận động của xã hội đã diễn ra cùng chiều với hướng đi của mình. Dù chưa thể trở thành trào lưu nhưng tôi ít nhiều tự hào mô hình giáo dục của Tomato Childrens Home luôn vận động cùng hướng với các tiến bộ của giáo dục, xã hội.

"Con nít thì biết gì đâu" là câu cửa miệng của nhiều người khi cho rằng trẻ dưới sáu tuổi chỉ cần biết ăn ngủ là đủ. Vì vậy, người Việt chúng ta thiếu quan tâm cũng như có cái nhìn đúng đắn về trách nhiệm của giáo viên mầm non.

- CEO Tomato Childrens Home Nguyễn Thúy Uyên Phương -

* Vậy còn điều gì khó nữa khi bước chân vào ngành này, thưa bà?

- Cái khó hơn là ngành giáo dục tuổi đầu đời chưa được phổ biến ở Việt Nam. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, sáu năm đầu tiên là khoảng thời gian hình thành nền móng về trí tuệ và nhân cách của một con người. Năng lực học hỏi của trẻ trong giai đoạn này chứa đựng những điều diệu kỳ mà người lớn không thể xem nhẹ. Và việc "Gầy dựng một đứa trẻ dễ hơn vá víu một người lớn", như lời của tác giả Raymond Beach

Nhưng không nhiều phụ huynh hiểu được điều này. "Con nít thì biết gì đâu" là câu cửa miệng của nhiều người khi cho rằng trẻ dưới sáu tuổi chỉ cần biết ăn ngủ là đủ. Vì vậy, người Việt chúng ta thiếu quan tâm cũng như cái nhìn đúng đắn về trách nhiệm của giáo viên mầm non. Thường thì phụ huynh chỉ xem giáo viên mầm non là "bảo mẫu cao cấp" mà thôi.

Những người làm trong ngành giáo dục tuổi đầu đời như tôi đều "thấm thía" tình trạng giáo viên vừa thiếu lại vừa yếu. Thực tế, nhu cầu thị trường thì rất lớn nhưng lượng đào tạo lại không đủ. Dân gian có câu "Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm". Sư phạm vốn không phải là ngành được ưa chuộng, huống gì là sư phạm mầm non. Chất lượng giáo viên ra trường thường thấp vì điểm thi tuyển đầu vào ngành này không cao, chương trình đào tạo lại chưa được chú trọng.

Chúng tôi mỏi mắt tìm kiếm mới có được những giáo viên đủ tiêu chuẩn, nhưng đôi khi họ lại không muốn gắn bó lâu với nghề. Vì đây là một nghề vất vả và nhiều áp lực, phải làm việc quần quật từ sáng đến tối với con trẻ mà mức lương không cao. Đó là chưa nói đến camera luôn giám sát cả ngày theo yêu cầu của phụ huynh. Nếu có lựa chọn dễ dàng hơn, các bạn trẻ chắc chắn sẽ không chọn nghề giáo viên mầm non.

* Bà có nghĩ rằng việc gắn camera tại các trường mầm non chủ yếu là để hạn chế tối đa các vụ bạo hành trẻ em?

- Tôi cho rằng nguyên nhân quan trọng hơn là sự gãy đổ niềm tin giữa gia đình và nhà trường. Tại một trường mẫu giáo ở Đức, tôi đã nhìn thấy môi trường giáo dục dựa trên lòng tin nên nhẹ nhàng vô cùng. Phụ huynh dành thời gian đến trường để cùng thầy cô phục vụ bữa ăn trưa cho các con và chơi đùa cùng con.

Thầy cô giáo thì trò chuyện, chia sẻ với phụ huynh rất vui vẻ, cởi mở. Trường hoàn toàn không có camera giám sát. Khi tôi hỏi vì sao trường không có camera, họ tròn mắt ngạc nhiên: "Để làm gì?". Nhà trường và phụ huynh hợp tác cùng nhau chăm sóc trẻ chứ không hề phán xét, khắt khe với nhau.

Trong giáo dục tư thục, khách hàng là "thượng đế” và giáo viên thường được coi là người cung cấp dịch vụ không hơn không kém. Vì vậy, thầy cô giáo trường tư thường rất ngại làm phật ý học sinh và phụ huynh. Thậm chí, tôi từng chứng kiến cảnh phụ huynh gọi cô giáo là "mày" khi có điều gì đó không hài lòng.

Trong khi ở nhiều trường công, thầy cô giáo lại là người ban ơn nên phụ huynh phải ra sức làm vui lòng giáo viên. Dĩ nhiên, việc so sánh giữa trường công và trường tư như vậy chỉ là tương đối, không phải trường nào cũng vậy, nhưng hai thái cực của mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình là có thật tại Việt Nam và đều tác động không tốt đến học sinh.

Ngạn ngữ một nước ở châu Phi có câu: "Cần một ngôi làng để nuôi dạy một đứa bé” (It takes a whole village to raise a child). Cha mẹ không thể đẩy hết trách nhiệm nuôi dạy con mình cho nhà trường, và nhà trường cũng không thể tự cho mình có quyền lực vô song trong mối quan hệ với cha mẹ và học sinh. Thay vì phán xét nhau, giữa phụ huynh và thầy cô giáo cần sự thấu hiểu, chia sẻ và hợp tác để cùng góp phần đào tạo thế hệ tương lai. Môi trường giáo dục phải dựa trên lòng tin. Đó là mong ước của tôi.

* Có bao giờ bà cảm thấy hối tiếc vì chọn ngành sư phạm để khởi nghiệp?

- Tôi chưa từng hối tiếc vì nghĩ đó là cái nghiệp. Ngay từ đầu, nó cứ quấn lấy tôi, nên dù có đi xa đến đâu trong nghề nghiệp cũng quay trở lại với nó từ điểm xuất phát. Sự nghiệp này cũng giống như tình yêu vậy, tôi luôn thấy hạnh phúc với lựa chọn của mình, dù vất vả hoặc người ta nói ra nói vào. Mẹ tôi vẫn hay than thở với bạn bè "Con bé này cái số nó vất vả lắm". Nhưng tôi biết bà an lòng khi thấy niềm hạnh phúc của con gái mỗi ngày.

* Hiện có nhiều lý thuyết giáo dục tiến bộ được du nhập vào Việt Nam. Triết lý giáo dục của bà có bị ảnh hưởng bởi một lý thuyết nào không?

- Tôi đã nghiên cứu nhiều lý thuyết giáo dục trên thế giới. Chẳng hạn như góc nhìn mới mẻ của nhà giáo dục trẻ em người Ý Maria Montessori. Bà xem đứa trẻ là một thế giới nhiều điều bí mật cần khám phá chứ không áp đặt. Hay lý thuyết về đa trí thông minh của nhà tâm lý học kiêm giáo sư khoa học thần kinh Howard Gardner.

Thuyết này tôn trọng bản thể, thiên hướng của mỗi đứa trẻ và nhiệm vụ của giáo dục là nhận biết, tôn trọng, nuôi dưỡng thiên hướng đó, đồng thời dẫn dắt cái riêng hòa nhập và phát triển trong môi trường chung. Khi nghiên cứu sâu, tôi nhận ra các lý thuyết nổi tiếng trên thế giới đều chia sẻ và thống nhất với nhau về những quan điểm giáo dục tiến bộ.

Vì vậy, người làm giáo dục không nên sùng bái một lý thuyết nào đó mà cần kết hợp các lý thuyết này trong từng chương trình cụ thể. Nếu một trường nào đó chỉ sử dụng chương trình của một lý thuyết nào đó nhưng lại không hiểu những giá trị cốt lõi thì đó chỉ là chiêu thu hút phụ huynh mà thôi.

* Trong một thị trường giáo dục còn nhiều bất cập, bà có tin rằng mình có thể góp phần làm thay đổi được thực trạng đó?

- Thay đổi nền giáo dục là nhiệm vụ của nhiều người, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Lãnh tụ Ấn Độ Gandhi từng nói: "You must be the change you wish to see in the world" (Nếu bạn muốn thế giới thay đổi như thế nào thì bạn phải là người thay đổi như thế). Đó là lý do tôi và một số người bạn bắt tay với The Caterpies - tổ chức giáo dục phi lợi nhuận với mục tiêu góp phần xây dựng môi trường lành mạnh hơn cho trẻ thơ thông qua việc tác động đến những người lớn xung quanh trẻ như cha mẹ, thầy cô, những người chăm sóc trẻ.

Rõ ràng, thay đổi một đứa trẻ dễ hơn rất nhiều so với việc thay đổi những mắt xích quan trọng quanh đứa trẻ như cha mẹ, thầy cô, cộng đồng. Vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng thay đổi cộng đồng - những người trực tiếp ảnh hưởng lên thế hệ trẻ em Việt Nam. Chúng tôi đã thực hiện các chương trình để nâng cao nhận thức của cha mẹ, thầy cô về sự phát triển sáu năm đầu đời của trẻ.

Chúng tôi trang bị năng lực cho cha mẹ, thầy cô bằng cách tài trợ giáo án và huấn luyện giáo viên về giáo dục cảm xúc tại một số trường mẫu giáo. Chúng tôi còn xây dựng hệ sinh thái kết nối các mắt xích giữa nhà chuyên môn, nhà trường và phụ huynh, qua các chương trình như đi tìm trường mẫu giáo đầu tiên của Việt Nam. The Caterpies còn mong muốn trở thành tấm "màng lọc" để giới thiệu đến những người làm giáo dục và phụ huynh về các thuyết giáo dục tiến bộ một cách khách quan, trung thực.

* Có nhiều ý kiến cho rằng các tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục rất khó bền vững tại Việt Nam vì phải có nguồn tài chính ổn định và lâu dài. Bà nghĩ sao về điều này?

- Tôi nghĩ cái khó về tài chính đôi khi "dễ thở" hơn cái khó về định kiến của xã hội. Người ta thường hoài nghi tổ chức phi lợi nhuận là "sân sau" của một doanh nghiệp nào đó. Ban đầu, tôi cảm thấy rất buồn khi hoạt động hướng đến cộng đồng bị nghi ngờ với mục đích vụ lợi. Nhưng về sau, tôi đã bình thản chấp nhận "thị phi" này, thậm chí tôi còn nghĩ một cách lạc quan rằng sự hoài nghi ấy sẽ luôn nhắc mình nhớ về tính khách quan, trung thực trong mọi hoạt động của The Caterpies.

* Cảm ơn bà về những chia sẻ!


19 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comentarios


bottom of page